Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Xây dựng 13 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại khu vực ĐBSCL

Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ) đã quy hoạch từ nay đến năm 2020 xây dựng 13 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất xử lý 188.000 m3/ngày đêm.
Theo quy hoạch, thành phố Cần Thơ xây dựng vốn nhà máy, tổng công suất xử lý 86.000 m3/ngày đêm; thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) xây dựng ba nhà máy, tổng công suất 34.500 m3/ngày đêm; thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) xây dựng ba nhà máy, tổng công suất 33.000 m3/ngày đêm và thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xây dựng ba nhà máy, tổng công suất 34.500 m3/ngày đêm.

Vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, chủ yếu là vốn ODA, tín dụng, tài trợ của nước ngoài và từ các thành phần kinh tế trong nước.

Các nhà máy được xây dựng sử dụng công nghệ, thiết bị thoát nước phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, có tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai.

Theo quy hoạch, tại thành phố Cần Thơ và thành phố Long Xuyên, nước thải sau khi xử lý sẽ cho thoát ra sông Hậu. Thành phố Cà Mau và thành phố Rạch Giá cho thoát nước thải ra biển Tây sau khi xử lý.

Dự báo, đến năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt tại bốn tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long lên tới 356.000 m3/ngày đêm. Trong đó, khu vực đô thị thải 100 lít/người/ngày đêm, khu vực nông thôn thải 80 lít/người/ngày đêm.

Việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nói trên được thực hiện song song với công tác cải tạo hệ thống nhà máy xử lý nước thải cũ sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng do mưa, bảo đảm sự phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững.
( Nguồn Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét